TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Quá trình hình thành và Phát triển >> Cơ cấu tổ chức  >>
Thành tựu giai đoạn 2010-2015 >> Định hướng phát triển giai đoạn 2015-2020 >>
   
Năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Đăk Tơ Pang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI trong điều kiện chính trị, xã hội ổn định; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh, của Huyện cùng kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ được phát huy; Sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân trong xã.
Bên cạnh đó, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp; giá cả hàng hóa, vật tư tăng cao; Trên địa bàn xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn khó khăn, phong tục, tập quán lạc hậu, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đường giao thông đi lại ở một số thôn, làng chưa được thuận tiện, do vậy việc đi lại trong mùa mưa là rất khó khăn. 
Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả thực hiện cụ thể như sau:
1. Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế
Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 8,0% (thấp hơn 4,03% mức bình quân của huyện). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 18,6 triệu đồng, đạt 92,8% so với Nghị quyết (thấp hơn 6,1 triệu đồng mức bình quân của huyện). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng: tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 69,1%, thủ công nghiệp và xây dựng 13,3%, dịch vụ 17,6%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp: Năm 2020, gieo trồng được 1.222,6 ha, đạt 90,5% Nghị quyết, bằng 100,3% năm 2015[1]. Năng suất, sản lượng cây trồng nhìn chung tăng nhẹ qua các năm[2]. Diện tích cây lương thực 635 ha, đạt 83,8% Nghị quyết, bằng 90,7% năm 2015. Sản lượng cây lương thực 2.205 tấn, đạt 78,2% Nghị quyết, bằng 85,4% năm 2015. Đàn gia súc tiếp tục phát triển, tổng đàn 1.590 con, đạt 80,8% Nghị quyết, bằng 92,6% năm 2015[3].
Thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp: ngày càng đáp ứng nhu cầu vận chuyển, hỗ trợ phát triển sản xuất và sơ chế sản phẩm. Số cơ sở kinh doanh buôn bán tăng từ 12 cơ sở năm 2015 lên 23 cơ sở năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng từ 5,5 tỷ đồng năm 2015 lên 8,3 tỷ đồng năm 2020. Số cơ sở sơ chế sản phẩm tăng từ 05 cơ sở năm 2015 lên 08 cơ sở năm 2020. Phương tiện vận tải hàng hóa tăng từ 06 phương tiện năm 2015 lên 12 phương tiện năm 2020.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn xã tạo được sự đồng thuận, chung tay góp sức thực hiện trong toàn Đảng bộ, toàn dân, ngày càng phát huy vai trò làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đời sống, thu nhập của nhân dân được nâng lên; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh tiếp tục được tăng cường; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dự kiến đến hết năm 2020 xã đạt 14/19 tiêu chí NTM[4], thiếu 01 tiêu chí so với mục tiêu của Đại hội; làng điểm nông thôn mới đạt 13/19 tiêu chí.
Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 36,7 tỷ đồng[5]; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với thực hiện xây NTM[6]. Hệ thống lưới điện quốc gia được nâng cấp mở rộng, các công trình nước sinh hoạt tự chảy được quan tâm tổ chức quản lý sử dụng, nâng cấp sửa chữa cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; có 90% hộ dùng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dùng điện lưới quốc gia.
Các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được triển khai đồng bộ cùng với cơ sở hạ tầng nông thôn tạo thuận lợi cho sản xuất, giúp người dân tiếp cận được với các nguồn vốn; đưa giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện địa phương vào sản xuất; góp phần từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đã thành lập, hỗ trợ trên 31 tổ, nhóm trồng trọt chăn nuôi với 298 lượt người tham gia, có hơn 1.090 lượt người được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, kinh phí trên 3,4 tỷ đồng. Các chương trình nguồn vốn bảo đảm xã hội hỗ trợ đã hỗ trợ tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng[7].
Thu - chi  ngân sách được tập trung lãnh đạo, quản lý, khai thác tốt nguồn thu, hàng năm thu đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Chi ngân sách bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí. Thu ngân sách xã năm 2020 ước đạt 40 triệu đồng, vượt Nghị quyết 10 triệu đồng, tốc độ thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 14,9%.
2. Về văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, quản lý tài nguyên, môi trường
Giáo dục và đào tạo: quy mô trường lớp được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn[8]; chất lượng giáo dục được cải thiện[9]. Toàn xã có 418 học sinh/20 lớp, tăng 48 em so với 2015. Tỉ lệ hoàn thành chương trình Tiểu học, tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học tiếp tục học lên trung học phổ thông, bổ túc, nghề tăng từ 48,4% năm 2015 lên 70% năm 2020.
Công tác xây dựng xã hội học tập: đã có 28% gia đình học tập, 40% dòng họ học tập, 33% cộng đồng học tập, 50% đơn vị học tập được công nhận. Hội khuyến học xã ngày càng được củng cố với 07 chi hội, 120 hội viên. Trung tâm học tập cộng đồng được duy trì tốt; đã mở 09 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hút được 464 lượt người dân tham gia. Phổ cập giáo dục được củng cố, duy trì: giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ 2 và đạt chuẩn về phổ cập bậc Trung học cơ sở đạt mức độ 2.
Công tác Y tế, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trạm y tế duy trì, củng cố đạt chuẩn Quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân được đảm bảo; thực hiện tốt các chương trình y tế cơ sở. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 29,4% năm 2015 xuống còn 25,0% năm 2020, đạt Nghị quyết đại hội. Công tác Dân số Kế hoạch hoá gia đình được thực hiện tốt, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,01% năm 2015 xuống còn 1,5% 2020, đạt Nghị quyết đại hội.
Văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội đặc biệt là nạn tự tử, nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng từ 47,7% năm 2015, đến nay lên 75%, số làng đạt chuẩn văn hóa là 3/3 làng, đạt 100%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo mục tiêu “5 xây, 5 giảm” đã phát huy hiệu quả tích cực. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội truyền thống, giữ gìn và phát huy các hoạt động mang bản sắc văn hoá dân tộc.
Giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sổng nhân dân được cải thiện. Giải quyết được việc làm cho trên 255 lao động, quan tâm hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động, đã có 05 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho người dân giúp tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 25% năm 2015 lên 30% năm 2020; chú trọng đào tạo về kỹ thuật, kiến thức quản lý kinh doanh, lao động, trồng trọt, chăn nuôi. Xã có 263 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ trên 7,23 tỷ đồng. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ giúp nhiều hộ đã thoát nghèo, một số hộ trở nên khá. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 76,7% năm 2015 xuống còn 36,87% năm 2020, bình quân giảm 8%/năm, vượt 1% Nghị quyết đại hội.
Thực hiện chính sách người có công và an sinh xã hội được chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đúng đối tượng; quan tâm rà soát đề nghị thực hiện chế độ cho các đối tượng, trong 5 năm đã bổ sung 12 hồ sơ đối tượng hưởng chế độ 290/2005/QĐ-TTg. Thực hiện tốt các chế độ đối với đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Đến năm 2020, toàn xã có 35 đối tượng chính sách, 20 đối tượng bảo trợ xã hội, tổng số tiền hỗ trợ 890,3 triệu đồng. Số người tham gia các loại bảo hiểm ngày càng tăng, tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 98% năm 2015 lên 100% năm 2020, đạt Nghị quyết đại hội. Đã tiếp nhận và cấp phát đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các mặt hàng chính sách cho các đối tượng thụ hưởng[10].
Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, được triển khai quyết liệt, đúng quy định; phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả; ngăn chặn được các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép. Trong 5 năm, đã tập trung thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và tiến hành trồng mới trên 310ha rừng, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn chiếm trên 54%.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm hơn. Nhân dân ngày càng ý thức giữ gìn vệ sinh thôn làng, góp phần vào xây dựng thôn làng văn hóa và hạn chế xảy ra các dịch bệnh.
3. Về củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, đã ngăn chặn có hiệu quả, không để các thế lực thù địch xâm nhập địa bàn. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các vấn đề phát sinh không để hình thành điểm nóng về An ninh trật tự. Các mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân cơ bản được phát hiện và giải quyết kịp thời.
Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân luôn được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác trực sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên; huấn luyện, diễn tập chiến đấu trị an đều đạt loại khá; giao quân hàng năm đạt chỉ tiêu trên giao với chất lượng ngày càng được nâng cao.
An ninh trật tự luôn được quan tâm, không để xảy ra các tệ nạn xã hội; vi phạm pháp luật hàng năm đều giảm. Thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chương trình hành động số 92- Ctr/TU ngày 21/8/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chinh trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng, đa dạng hình thức và biện pháp tuyên truyền, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác đảm bảo anh ninh trật tự trên địa bàn. Năm 2017, địa phương được Bộ Công an tặng cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và 07 năm liền được Ủy ban nhân dân huyện công nhận đạt chuẩn về an ninh trật tự.
4. Về thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị
4.1- Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
* Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm đúng mức và đạt được kết quả thiết thực: Đảng ủy tổ chức cho cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã học tập và quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy Đảng. Phát động cuộc vận động “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và sửa đổi lối làm việc. Công tác bồi dưỡng, học tập nâng cao nhận thức lý luận chính trị về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, đảng viên được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, tăng cường đấu tranh phòng chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch phản động, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”. Đội ngũ tuyên truyền viên được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên; cán bộ bán chuyên trách được bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Triển khai sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân góp phần khích lệ tinh thần yêu nước, nâng cao được bản lĩnh chính trị, tinh thần, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
* Công tác kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, củng cố chi bộ Đảng, được chú trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Ban Thường vụ Đảng ủy luôn chú trọng sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ xã đến chi bộ, thôn làng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; củng cố các ngành tham mưu giúp việc của Đảng ủy ủy và các chi bộ trực thuộc. Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt theo Điều lệ Đảng. Thực hiện dân chủ trong Đảng, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; từng bước khắc phục tính trông chờ, ỷ lại, chủ động giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.
Đảng bộ xã hiện có 06 chi bộ với 107 đảng viên (giảm 03 chi bộ so với đầu nhiệm kỳ do sáp nhập thôn, làng), tăng 31 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ[11]. Có 5/6 chi bộ có chi ủy đạt 83,3% (NQ 50%, đạt so với NQ), trong đó 100% chi bộ thôn, làng có chi ủy. Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Chi bộ từng bước được nâng lên. Tỉ lệ chi bộ đạt trong sạch vững mạnh giao động từ 44,4% đến 62,5% (NQ 80%, không đạt so với NQ), không có chi bộ yếu kém. Đảng viên được công nhận từ mức đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm đạt 76% (NQ 85%, không đạt so với NQ). Năm 2016, Đảng bộ xã được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Ban Thường vụ Đảng ủy phân công các đồng chí Đảng uỷ viên tham dự trực tiếp sinh hoạt các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã. Với phương châm “gần dân, sát dân, nắm làng, tổ dân phố, nắm hộ dân” trong lãnh đạo điều hành. Cấp ủy đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, điều hành tạo sự chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị cơ sở nên đã khắc phục yếu kém về tổ chức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, tăng cường vai trò lãnh đạo, kiểm tra giám sát, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề trên các lĩnh vực đời sống, xã hội .
Công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên được quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã phát triển 31 đảng viên mới. Tỉ lệ phát triển đảng bình quân qua các năm đạt 7,38 %; tuy nhiên tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm giảm dần, cụ thể năm 2015 đạt 10,6%, năm 2017 đạt 6,6 % và đến năm 2018 giảm xuống còn 5,1% (NQ 7% so với năm trước, không đạt so NQ).
* Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, được Ban Thường vụ Đảng ủy quan tâm thường xuyên. Chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác đánh giá cán bộ hàng năm gắn với việc xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ. Thường xuyên chăm lo đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện chuẩn hóa và trẻ hóa cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của xã. Thực hiện đúng nguyên tắc về công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, từ đó chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên. Tỉ lệ cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn tăng từ 80% năm 2015 lên 100% năm 2019, trung cấp LLCT trở lên tăng từ 70% năm 2015 lên 100% năm 2019. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cử 48 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp do huyện, tỉnh mở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra.
* Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường: Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được tăng cường, và thực hiện công tác kiểm tra thông qua nhiều hình thức. Khi tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm, Đảng ủy lập kế hoạch tiến hành kiểm tra theo đúng nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình thủ tục. Uỷ ban kiểm tra đã xây dựng quy chế làm việc của UBKT; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát theo toàn khóa và từng năm theo Điều 30; Điều 32 của Điều lệ Đảng và Quy định 55-QĐ/TW ngày 10 tháng 01 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra của tổ chức Đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên. Cùng với thực hiện kiểm tra chuyên đề, tiến hành kiểm tra thường xuyên theo Điều lệ Đảng. Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát 36 lượt Chi bộ và 100% đảng viên được kiểm tra, giám sát hàng năm[12]. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được thực hiện theo đúng quy định.
* Công tác Dân vận của Đảng được đổi mới theo hướng gần dân, sát cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động: Trong thời gian qua, công tác dân vận của Đảng ủy xã được quan tâm đúng mức với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; tổ chức động viên, khích lệ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, được chú trọng thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, luôn tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chủ động thảo luận, bàn bạc về các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ nhằm phát huy sáng kiến trong việc tổ chức hoạt động của mình, tạo sự thống nhất trong phương thức tiến hành công tác dân vận. Nhờ thực hiện phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng, tôn giáo và trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định và giữ vững, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được củng cố vững chắc. Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Dân chủ ở xã, cũng được thực hiện nghiêm túc, coi đó là khâu quan trọng của mọi thành công. Các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng. Vì vậy, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
* Phương thức lãnh đạo của Đảng, được đổi mới, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực. Quy chế làm việc được xác định rõ nguyên tắc, mối quan hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với chính quyền theo nguyên tắc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy chức năng quản lý điều hành của chính quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận và các đoàn thể chính trị đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở. Nội dung các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã được xây dựng theo hướng cụ thể, ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Các chương trình làm việc toàn khóa được xây dựng theo hướng toàn diện, coi trọng việc tổ chức sơ, tổng kết thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành quy định rõ ràng, cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lề lối làm việc của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
* Đánh giá thực chất về lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền xã: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đối thoại với người dân, tạo điều kiện cho người dân hiến công, của để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của xã. Công tác cải cách hành chính cũng được thực hiện có hiệu quả hơn. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Từ đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền xã ngày một sâu sắc hơn.
* Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Đảng ủy xây dựng và ban hành kế hoạch để tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện tất cả các chi bộ đảng và đảng viên. Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, cấp ủy, các chi bộ đã thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh, không có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; luôn giữ vững đoàn kết tập thể thống nhất trong tư tưởng và hành động, tạo nên sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; thấy rõ hơn tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Từng cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ hơn những biểu hiện cụ thể của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; trên cơ sở đó tự, soi xét lại bản thân, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm của mình; đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân, để đề ra phương hướng, kế hoạch, giải pháp để khắc phục khuyết điểm. Việc khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên được thực hiện nghiêm túc thông qua việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm. Trong quá trình kiểm điểm mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt đều phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thực hiện đánh giá bằng những việc làm cụ thể gắn với trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi đảng viên; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân với tập thể. Qua đó hằng năm đảng uỷ xã đều được đánh giá xếp loại tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ đã tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
* Kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, các chi bộ đảng nghiêm túc triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác theo đúng mục tiêu, yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương, của Ban Thường vụ Huyện ủy; đồng thời gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tiêu chí để đánh giá công tác của chi bộ, rèn luyện của đảng viên, tổ chức hoạt động của các đoàn thể và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức đang làm nhiệm vụ chuyên môn, quản lý. Nhìn chung các cán bộ, đảng viên đều vận dụng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cụ thể như đã vận dụng tấm gương của Bác vào công việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, đi đầu trong mọi hoạt động, xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế gia đình. Việc triển khaihọc tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Đảng uỷ xã phối hợp lồng ghép tuyên truyền ở các cuộc họp của đoàn thể, chi bộ, họp làng của nhân dân để phổ biến. Từ đó nhận thức của cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng sâu sắc hơn, ý thức tự giác thực hiện việc học tập ngày càng đạt kết quả cao. Trong những năm qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của xã ngày càng được tăng thêm về số lượng và chất lượng; trình độ, kiến thức mọi mặt đều được nâng lên. Hằng năm Đảng uỷ triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên phải thực hiện xây dựng kế hoạch, bản cam kết rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên. Đối với bản kế hoạch của đ/c Bí thư Đảng uỷ được niêm yết công khai và gửi đến các chi bộ để theo dõi. Đảng ủy chỉ đạo Ủy ban kiểm tra, cán bộ Tuyên giáo xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát giúp các chi bộ, đảng viên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời phát hiện, biểu dương nhiều tập thể, cá nhân điển hình, những mô hình tốt, những cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
4.2- Về công tác xây dựng chính quyền
* Hội đồng nhân dân ngày càng phát huy vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổ chức tốt các kỳ họp, chất lượng từng bước được nâng lên[13]. Nghị quyết của HĐND ban hành có chất lượng, đảm bảo đúng Luật và phù hợp với tình hình hình thực tế của địa phương[14]. Hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp được chú trọng, tập trung vào những vấn đề được cử tri và xã hội quan tâm[15]. Công tác tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp được thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp dân của đại biểu HĐND nghiêm túc[16].
* Ủy ban nhân dân đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; các chủ trương, nghị quyết được cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Công tác quản lý và điều hành của UBND xã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý xã hội, nhất là trong công tác quy hoạch, điều hành sản xuất, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Triển khai, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức cá nhân giải quyết các thủ tục hành chính.
* Việc thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về việc chia, nhập để thành lập và đặt tên mới thôn, tổ dân phố; đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đã tổ chức xong việc sắp xếp lại bộ máy và những người hoạt động không chuyên trách, các chi hội đoàn thể ở thôn làng theo quy định[17].
4.3- Hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực và hiệu quả; thực hiện đa dạng các hình thức tập hợp quần chúng nhân dân và hội viên; chăm lo đời sống, quan tâm nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên. Tuyên truyền vận động và động viên nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong nhiệm kỳ, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn, làng đã thực hiện nghiêm chủ trương của cấp ủy về công tác nhân sự đại hội đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Các cuộc vận động, phong trào thi đua do MTTQ và các đoàn thể xã phát động gắn với xây dựng nông thôn mới được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác hiệp thương, lựa chọn những người ứng cử và đề cử bầu vào Đại biểu HĐND các cấp được thực hiện đúng quy định. Phối hợp tổ chức thành công các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
MTTQ và các đoàn thể tăng cường đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào xung kích tình nguyện. Chú trọng thực hiện hai cuộc vận động lớn là cuộc vận động “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện phát triển sản xuất, giảm nghèo; đồng thời đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhằm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả, thu hút quần chúng vào tổ chức đoàn thể, góp phần phát triển đoàn viên, hội viên. Cụ thể như: Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Ngày vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”… Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể khá cao như thanh thiếu niên trên 85%; phụ nữ trên 80%; cựu chiến binh trên 70%...
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Kiện toàn và duy trì nghiêm túc hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, đồng thời củng cố 03 tổ hoà giải ở thôn, làng. Phối hợp cùng với Thường trực HĐND, UBND huyện, xã tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND các cấp. Tích cực tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn, thắc mắc, bất đồng gây mất đoàn kết nội bộ trong nhân dân.
 

[1] trong đó: Ngô lai 420ha, đạt 64,6% Nghị quyết, bằng 84,0% năm 2015; đậu các loại 165ha, đạt 44,6% Nghị quyết, bằng 64,2% năm 2015; lúa rẫy 180ha, đạt 276,9% Nghị quyết, bằng 120% năm 2015; sắn cao sản 240ha, đạt 300% Nghị quyết, bằng 240% năm 2015 còn lại là cây trồng khác.
[2] trong đó: Ngô lai 45 tạ/ha, đạt 112,5% Nghị quyết, bằng 112,5% năm 2015; đậu các loại 05 tạ/ha, đạt 83,3% Nghị quyết, bằng 100% năm 2015; lúa rẫy 13tạ/ha, đạt 81,3% Nghị quyết, bằng 81,3% năm 2015; sắn cao sản 220tạ/ha, đạt 102,3% Nghị quyết, bằng 102,3% năm 2015.
[3] trong đó: Đàn bò 755 con, đạt 116,2% Nghị quyết, bằng 125,8% năm 2015 (tỉ lệ đàn bò lai tăng từ 30% năm 2015 lên 35% năm 2020); đàn trâu 15 con, đạt 88,2% Nghị quyết, bằng 88,2% năm 2015; đàn heo 450 con, đạt 50,0% Nghị quyết, bằng 56,3% năm 2015; đàn dê 370 con, đạt 92,5% Nghị quyết, bằng 123,3% năm 2015.
[4] gồm:  tiêu chí 1 - Quy hoạch, 2 - Giao thông, tiêu chí 3 - Thủy lợi, tiêu chí 4 - Điện, tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hoá, tiêu chí 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí 8 - Thông tin và truyền thông, Tiêu chí 9 - Nhà ở, tiêu chí 12 - Lao động có việc làm, tiêu chí 14 - Giáo dục, tiêu chí 15 - Y tế, tiêu chí 16 - Văn Hóa, Tiêu chí 18 - Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí 19 - Quốc phòng và An ninh.
[5] trong đó: vốn Ngân sách nhà nước 30,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép 5,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 0,4 tỷ đồng.
[6] làm 3,2km đường xã và sửa chữa các hạng mục 12,4 tỷ đồng (giúp tỷ lệ đường giao thông đạt chuẩn tăng từ 58,7% năm 2015 lên 80% năm 2020); làm 3,0km đường nội làng 4,6 tỷ đồng (giúp đạt 74,3% đường nội làng được kiên cố hóa); làm 04km đường đi khu sản xuất 5,8 tỷ đồng, (giúp tỷ lệ đường đảm bảo vận chuyển thuận lợi đạt 73,21%); xây dựng sửa chữa trường học 6,2 tỷ đồng; sửa chữa Trạm Y tế 0,1 tỷ đồng; xây dựng các công trình văn hóa xã và thôn làng 5,0 tỷ đồng; xây dựng các công trình hành chính xã 1,9 tỷ đồng.
[7] trong đó cấp 3.909 kg giống ngô lai, kinh phí 0,3 tỷ đồng; cấp 163 con bò, kinh phí 2,9 tỷ đồng; cấp 74.895kg phân bón NPK, kinh phí 01 tỷ đồng.
[8] Trường TH-THCS được làm thêm 03 phòng học văn hóa, 02 phòng học bộ môn, sửa 02 phòng học. Trường mầm non được làm thêm 03 phòng học.
[9] tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng từ 17% năm 2015 lên 20% năm 2020, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm từ hơn 7% năm 2015 xuống còn 5% năm 2020.
[10] 63.969,8kg gạo cứu đói, 42.530,0kg muối ăn, 468,1 triệu đồng tiền hỗ trợ tiền điện.
[11] Trong đó đảng viên nữ 33 người chiếm 30,8%, đảng viên là người dân tộc thiểu số 82 người chiếm 76,6%.
[12] đã xử lý kỷ luật 07 đảng viên vi phạm về DS KHHGĐ (trong đó có 06 đảng viên bị khiển trách và 01 đảng viên bị cảnh cáo)
[13] đã tổ chức 09 kỳ họp, trong đó: 08 kỳ họp thường kỳ, 01 kỳ họp bất thường
[14] đã ban hành 42 nghị quyết
[15] đã tổ chức giám sát được 19 đợt
[16] đã tổ chức được 46 buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp với trên 2.272 lượt cử tri, có 33 ý kiến kiến nghị được tổng hợp gửi tới các cấp có thẩm quyền giải quyết.
[17] Đã giảm được 25 cán bộ không chuyên trách và các chi hội đoàn thể ở thôn làng với kinh phí chi trả hàng năm là 444,7 triệu đồng.
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: T
hị trấn Kông Chro - Huyện Kông Chro - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3835321
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3835321
1478004004_Mail.png  Email: ubndkongchro@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Ngô Hữu Luật - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Kông Chro
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 14/10/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tứcLiên hệ | Site map icontop.png