CHUYÊN MỤC

TIN TỨC

72 năm trước đây Bác Hồ căn dặn về công việc “trồng người”

07/09/2023
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển ngày một văn minh của xã hội, toàn ngành giáo dục trên cả nước đã có những bước chuyển mình đáng kể, được Nhân dân, Đảng và Nhà nước ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó những tồn tại hạn chế không nhỏ trong công cuộc “Trồng người”, khiến cho không chỉ bản thân tôi, mà đại đa số những người làm trong ngành phải luôn trăn trở.

Trở về những năm 1951 giữa thế kỷ trước.
Cuộc kháng chiến chống Pháp đã bắt đầu chuyển từ giai đoạn cầm cự sang giai đoạn phản công. Chiến dịch biên giới (1950) thắng lợi lớn, giải phóng ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… Quân Pháp, trước nguy cơ chiến bại, đã dùng mọi thủ đoạn tàn độc hòng cứu vãn tình thế. Chúng thi hành chủ chương “tam quang” tức là phá sạch, đốt sạch, giết sạch. Phi cơ của chúng ném bom nhiều nơi, bất chấp đền chùa, chợ búa, trường học…
Hồi ấy tôi dạy ở trường sư phạm Việt Bắc tại vùng Thác Huống tỉnh Thái Nguyên. Trường sư phạm Việt Bắc bị oanh tạc nhiều lần, đã có giáo sinh bị chết. Ban ngày thầy trò đi phân tán, đêm mới về học.
Do tình hình khẩn cấp như vậy, Bác Hồ, Đảng và Chính phủ quyết định nhờ một địa điểm thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đưa mấy trường sang đấy, để có điều kiện an toàn học tập. Ban đầu có bốn trường dời sang địa điểm ấy, là Trường sư phạm cao cấp, Trường cao đẳng sư phạm (Tuyên Quang), Trường sư phạm Việt Bắc và Trường khoa học cơ bản (tiền thân của Đại học bách khoa sau này) sau đó có thành lập tại nơi ấy thêm một trường phổ thông để làm trường thực tập sư phạm và trường ngoại ngữ (học trung văn).… Học sinh số đông là con em miền Nam.
Trước khi chuyển đi, chúng tôi được triệu tập lên ATK (An toàn khu) nơi Chính phủ và Trung ương Đảng ở và làm việc, để nghe Bác Hồ trực tiếp dặn dò.
Ba chúng tôi được đưa đến một cái miếu nhỏ giữa rừng sâu, chung quanh không có một nhà dân nào cả.
Chúng tôi đợi một lát thì đồng chí Phạm Văn Đồng (lúc ấy là Phó Thủ tướng) cưỡi ngựa ăn mặc như người dân miền núi đi đến.
Đồng chí chào, hỏi chúng tôi tình hình đi đường có vất vả lắm không (đi vào ATK phải lội suối, luồn rừng, nếu không có người hướng dẫn thì lạc trong rừng không biết lối ra. Rồi đồng chí cho biết: Đáng lẽ Bác Hồ đến, nhưng Bác có việc đột xuất nên cử đồng chí đến để truyền đạt những lời dặn dò của Bác.
Đồng chí Phạm Văn Đồng nói:
“Bác Hồ nói rằng chuyến này đưa các cháu đi xa để thầy trò có điều kiện yên ổn dạy và học. Cha mẹ các cháu tin ở Đảng, Chính phủ và Bác nên giao con em cho Bác; Bác giao lại cho mấy anh; mấy anh cố gắng làm theo lời Bác dặn.
Bác dặn là đường đi tới biên giới xa và nhiều trở ngại, nguy hiểm nên phải bảo đảm an toàn cho các cháu. Bác đã chỉ thị cho cơ quan tài chính cấp tiền lộ phí đầy đủ; đi đường mua thịt bò, thịt lợn cho các cháu ăn để có sức khoẻ mà đi.
Sang đến địa điểm đã thoả thuận giữa hai nước thì thầy trò làm lấy nhà mà ở và học. Đừng phiền nhiễu nhân dân. Làm lớp học và nhà ở bên cạnh con sông để tiện chở gạo, chở củi đến và các cháu sẵn nước tắm giặt cho khoẻ mạnh.
Sáng nào cũng phải bảo các cháu tập thể dục để có sức khoẻ học tập và sau này tốt nghiệp có sức khoẻ làm việc, giúp nước vì cuộc kháng chiến còn dài. Thầy, trò phải coi nhau như anh em…”.
Bác dặn bấy nhiêu điều. Và đồng chí Phạm Văn Đồng nói thêm: “Khi nào đến biên giới, mấy anh bảo các cháu viết thư về để Bác và anh Trường Trinh yên tâm”.
Trên đây là mấy lời Bác căn dặn trước khi thầy trò chúng tôi lên đường.
Khu trường Việt Nam tại địa phận Nam Ninh (tỉnh Quãng Tây) được gọi tên là Khu học xá Trung ương, tiếng Trung quốc gọi là Dục tài học hiệu. Mấy trường đều học chương trình của Việt Nam, các môn học đều do cô giáo Việt Nam dạy, chỉ có môn Trung văn và văn nghệ ngoại khóa là nhờ mấy thầy cô giáo Trung quốc giúp. Bác Hồ thường xuyên theo dõi việc dạy và học của trường. Sau này, có lần Bác Hồ có việc sang Trung quốc, đi qua Nam Ninh. Chúng tôi đã được thông báo là Bác sẽ vào thăm trường. Nhưng cuối cùng có sự thay đổi: Bác không rẽ vào trường. Một số thầy cô giáo và học sinh được thay mặt trường ra ga Nam Ninh chào Bác.
Tàu đến ga Nam Ninh chỉ dừng lại dăm phút. Hồi ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang tiếp diễn. Chuyến đi của Bác chưa có công khai, chỉ có một số cán bộ Trung quốc và chúng tôi được ra sân ga đón Bác. Bác từ trên tàu bước xuống, đứng trên một cái bục cao nói vài câu với những người ra đón.
Hồi ấy, vì giữ bí mật, chúng tôi đều ăn mặc quần áo Trung quốc, đứng lẫn với các cán bộ Trung quốc. Nhưng chúng tôi thấy Bác quay đầu, nhìn thẳng về phía chúng tôi. Bác không nói câu gì giêng với chúng tôi. Nhưng đôi mắt của Bác chứa bao trìu mến, tin cậy và khích lệ chúng tôi.
Một lần khác, từ trong nước, Bác gửi cho thầy trò chúng tôi bốn chữ, tự tay Bác viết: Đoàn kết – Học tập – Tiến bộ - Phục vụ.
Bốn chữ ấy, Ban giám đốc Khu học xá đã khắc vào tấm huy hiệu phát cho thầy và trò, đeo trên ngực. Chúng tôi rất quý cái huy hiệu ấy, giữ mãi như một kỷ niệm của Bác Hồ.
  ***
Đó là những trang trong tập Hồi ức của cố Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai còn sót lại trong những dòng nhật ký của tôi sau khi tốt nghiệp trường sư phạm tại Thanh Hóa.
Gắn bó với ngành giáo dục từ những năm 1996, bản thân tôi đã từng trải qua giảng dạy nhiều năm, rồi đến những năm tháng làm công tác quản lý, làm hiệu trưởng, tôi nhận ra rằng những điều mà Bác đã căn dặn trong công tác “trồng người” nghe thì rất giản dị, nhưng lại chính là những điều căn bản, cốt lõi nhất, nói hai tiếng “quan tâm” thì dễ, nhưng để thực hiện đúng thì không dễ, chỉ có đề cao lương tâm của người thầy, coi đấy là mệnh lệnh tối thượng thì mới tránh và giảm bớt được khuyết điểm.
Trước hết tôi suy nghĩ về thời điểm lúc chiến tranh diễn ra cực kỳ ác liệt, Bác Hồ đã gửi một số trường, chủ yếu là các trường sư phạm, đặc biệt có một trường khoa học kỹ thuật (sau này là trường Bách khoa) đến một nơi an toàn. Rõ ràng là với quyết tâm kháng chiến giành lại nền độc lập, tự do thì dù gian khổ đến đâu, thậm chí phải hy sinh tính mệnh cũng không ai quản ngại, nhưng các thầy cô giáo thì phải sống để giáo dục các thế hệ trẻ của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến, tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của lớp lớp người luôn sục sôi, đặc biệt là lớp trẻ, các thầy cô giáo đến với các em với sứ mệnh truyền tải, trang bị thêm cho các em kiến thức, bởi đánh giặc chỉ có tinh thần, lòng căm thù thôi thì chưa đủ mạnh; sau cuộc kháng chiến, các thầy cô giáo lại đóng vai trò vô cùng to lớn trong công tác đào tạo những công dân có đức, có tài phục hồi và phát triển đất nước. Vài ba thế hệ có thể hy sinh để bảo vệ nền độc lập, nhưng dân tộc, đất nước không thể chết, phải tiến đến tương lai, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Vì vậy, các thế hệ nối tiếp phải được học; việc giáo dục, đào tạo không thể vì bất cứ một hoàn cảnh nào mà đình trệ, gián đoạn.
Chính do tư tưởng anh minh và quyết tâm sắt đá của Bác Hồ mà trong hai cuộc kháng chiến vô cùng ác liệt, công việc giáo dục đào tạo của ta vẫn không ngừng phát triển.
Bác Hồ đã nói với chúng tôi: Cha mẹ các cháu tin ở Đảng, Chính phủ và Bác, giao con em cho Bác, và Bác giao lại cho các thầy cô giáo.
Là thầy giáo, làm sao chúng tôi dám quên lời nói chí tình ấy, mà bất cứ thời điểm nào, hiện tại hay tương lai, chúng tôi luôn khắc ghi câu nói đấy, để tự bản thân mình có thể tự hào, từ đó nhận thức được nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn của bản thân. Nhân dân cho con em đến trường, tức là giao phó con em cho Đảng và Chính phủ, Đảng và Chính phủ tin tưởng giao trọng trách lại cho các thầy cô giáo.
Vậy thì chúng ta, các thầy giáo cô giáo có lẽ phải luôn trăn trở về trọng trách đó, mới có thể làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Chính phủ, với nhân dân, cũng tức là làm tròn trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc. Bác Hồ đã lo lắng dặn dò đến từng chi tiết nhỏ trong sinh hoạt của các các cháu: cho các cháu ăn, cho các cháu tắm giặt, bảo các cháu tập thể dục mỗi ngày để có sức khỏe học tập, phục vụ đất nước, thầy trò coi nhau như anh em (1).
**
Tôi suy nghĩ nhiều về lời dạy: Đoàn kết – Học tập – Tiến bộ - Phục vụ, mà trong thực tiễn công tác tôi đã từng chứng nghiệm.
Nếu trong nhà trường không có đoàn kết giữa các thầy cô giáo với nhau, giữa lãnh đạo nhà trường với những người cộng sự, thì công tác khó đạt kết quả, vì người này chủ trương thì người khác phản đối, người này làm thì người khác phá. Điều trầm trọng hơn là những thái độ, hành vi vừa nói sẽ có phản tác dụng nặng nề đối với việc giáo dục học sinh.
Phải có sự đoàn kết nhất trí, tương trợ, hợp tác của mọi người thì mới học tập có kết quả. Trong hệ thống ngành giáo dục, không còn là vấn đề truyền đạt kiến thức giữa thầy với trò, mà đó còn là việc học tập lẫn nhau trong kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm học tập, từ đó nêu cao tính tự giác, việc học tập mới tiến bộ, đi đúng theo còn đường mà Bác Hồ đã hướng tới, đó là mỗi cá nhân đều trở thành những hiền tài để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, giúp ích cho nhân loại.
Mối liên quan hữu cơ của bốn điều Bác Hồ dạy là như vậy, rất thiết thực và sâu sắc. Nguyên lý và yêu cầu của giáo dục được thâu tóm trong bốn điều ấy. Đó là bốn trụ cột giữ vững toà nhà giáo dục.
“Những lời dạy của Bác Hồ đã thấm vào trí vào lòng chúng tôi và các giáo sinh. Các lớp thầy cô giáo được đào tạo từ Khu học xá Trung ương, nói chung đều là các giáo viên tốt, nhiều người là những cán bộ cốt cán của ngành giáo dục, đào tạo lúc bấy giờ”…
Thời gian đến nay đã 72 năm, tôi hằng ngẫm nghĩ về những lời dạy súc tích, thiết thực, thân mật của Bác. Tôi thấy trong đó kết tinh những tư tưởng căn bản của Người về công tác giáo dục.
Trong những năm gần đây, qua theo dõi hoạt động giáo dục của một số địa phương nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi thấy ngành giáo dục đã nổ lực hết mình, nhiều thầy cô giáo đã lặng lẽ cống hiến một cách thầm lặng, chất lượng giáo dục được nâng cao, cơ sở vật chất được cấp ủy chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư, nhiều ngôi trường kiên cố, tầng hóa được xây dựng. Hệ thống trường phổ thông bán trú được quan tâm đầu tư với những nguồn vốn rất lớn; có trường trên 20 tỷ đồng thậm chí hơn nữa. Tỷ lệ tuyển sinh trong các trường Nội trú, Bán trú được tăng thêm hàng năm, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định để hỗ trợ hệ thống trường bán trú; HĐND các địa phương cũng đã kịp thời ban hành các Nghị quyết hỗ trợ về chế độ cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Tỷ lệ giáo viên cao hơn so với trước đây, chất lượng học sinh đang từng bước thu dần khoảng cách so với các vùng thuận lợi. Môi trường giáo dục đã có nhiều thay đổi, cây xanh, bóng mát đã tỏa tán rộng, nhìn những cháu học sinh DTTS vui chơi ngoài sân trường trong giờ ra chơi, dưới tán cây mát và đầy gió, nở những nụ cười tươi với những hàm răng trắng muốt cùng khăn quàng đỏ bay trong gió, mà lòng tôi thấy nhẹ nhàng.
Hình phụ huynh và các cháu Làng Châu, xã Chư Krei vui mừng khi có phòng học kiên cố
 
Nhắc đến đây, tôi nhớ lại ý kiến chỉ đạo của Thầy giáo TS Nguyễn Văn Long – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai lúc bấy giờ tại Hội nghị tổng kết ngành là yêu cầu mỗi thầy cô giáo phải trồng một cây xanh trong sân trường, yêu cầu các Phòng giáo dục và Đào tạo huyện tổng hợp báo cáo chính quyền địa phương và Sở GD&ĐT trong thời gian sớm nhất sau khi triển khai phong trào. Tập trung xây dựng phong trào mủi nhọn về phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp kể cả vùng đặc biệt khó khăn.
Ngay sau đó ngành giáo dục của các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh đã triển khai ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Giám đốc sở GD&ĐT Gia Lai một cách nghiêm túc, và thế là chúng tôi đã thay nhau xuống tận các điểm lẻ để kiểm tra và nhắc nhở đội ngũ thường xuyên. Sau 3 năm sơ kết phong trào do Sở GD&ĐT Gia Lai tổ chức, nhiều đơn vị đã nhận được giấy khen của tỉnh.
Ngồi xem truyền hình trực tiếp Chương trình Đường lên đỉnh OLYMPIA của Đài Truyền hình Việt Nam, quan sát gương mặt, nụ cười và đặc biệt là sự phản ứng nhanh mà tôi thấy rất vui và khâm phục em Đặng Quốc Khánh. Cảm nhận của tôi lúc đó, như là một món quà đặc biệt mà em gửi về quê hương Kông Chro thân yêu của mình, đồng thời tặng luôn thế hệ các nhà giáo, thế hệ các bậc lão thành, các thế hệ lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đã cống hiến và dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho mảnh đất Khu 7 năm xưa này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành giáo dục của địa phương nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều tồn tại: vụ gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục xảy ra ở Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình; cán bộ quản lý giáo dục vi phạm về đạo đức; Dự thảo sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học; cô giáo bắt học sinh uống nước lau bảng ở Hải Phòng; tình trạng bạo lực học đường gia tăng; Tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh, thành vẫn chưa được quan tâm giải quyết một cách căn cơ. Chế độ đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng với sự cống hiến của đội ngũ; nhiều chương trình, phần mềm đầu tư nhưng hiệu quả mang lại thấp, tình trạng dạy thêm học thêm và dùng nhiều bộ sách giáo khoa… đang là nổi bức xúc của cả đội ngũ và phụ huynh học sinh. Rồi hàng loạt vụ đình đám năm 2021, 2023, không thể kể hết  … Danh sách ngày dày lên qua thông tin của UBKT các cấp, cơ quan điều tra của công an một số tỉnh, thành… Tôi thấy đau sót vô cùng.
Nghĩ lại, cách đây 27 năm sau khi tốt nghiệp sư phạm tại Thanh Hóa, trong hành trình chuyến đi từ Bắc vào Tây Nguyên, hành trang tôi mang theo là một chiếc ba lô đựng một tấm hình của người chú hy sinh năm 1972 tại mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa và những lời dạy của thầy cô khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông và sư phạm. Khi xe đò chạy tới vùng Quảng Bình, Quảng Trị, tôi cố nhìn những ngọn nến sáng trưng cả một vùng trời, cứ hơn một vài km lại có một nghĩa trang liệt sĩ. Sau này có một số chuyến công tác tại tỉnh Quãng Ngãi, ngoài địa danh nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm văn Đồng, nhà máy lọc dầu Dung Quất, thì tôi còn tới địa điểm Trạm xá Đặng Thùy Trâm để thắp nén nhang tưởng niệm chị. Đứng trước bàn thờ chị, tôi thầm nghĩ chị là lớp tri thức cuối cùng mà Đảng và Chính phủ phải xót xa khi phải vét cạn để tung vào chiến trường. Hai hàng nước mắt tôi tự chảy trước bàn thờ chị, tôi muốn nói với những đồng nghiệp của tôi một điều rằng, nếu chỉ gặp một số những khó khăn trước mắt, sự thiệt thòi hơn các gia đình khác về mặt vật chất mà các thầy, cô rời bỏ bục giảng vào lúc này thì chúng ta có tội với chị Đặng Thùy Trâm, với Mẹ Tứ, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt và nhiều bậc tiền bối qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có lỗi với đồng bào của mình.
Trong sự bộn bề của công việc, tôi không thể nhớ hết, không thể tổng hợp hết và kịp thời, những ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục Gia Lai, chỉ lục lại trong trí nhớ và nhớ lại một vài điều mà các thầy đã quan tâm và chỉ đạo một cách quyết liệt.
25 năm không lẻ, lục lại trong ký ức về mấy điều trăn trở của cố Giáo sư Hoàng Như Mai, rồi nhớ lại ý kiến chỉ đạo của Thầy giáo Nguyễn Văn Long TS, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, để nhắc nhở những đồng nghiệp của mình rằng, dù còn đó những bộn bề khó khăn, và trăn trở của đội ngũ trong mỗi tình huống, công việc cụ thể nào đó, còn đó những tâm tư và những ý kiến trái chiều, thì cũng phải gác lại để tiếp tục công việc chuyên môn của mình một cách hăng say nhất có thể.
Nhắc như vậy, để nhớ lời tự sự của cố giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai vẫn mang tính thời sự và có tính cấp bách đến ngày hôm nay – Như là triết lý Giáo dục Việt Nam.
Bây giờ là lúc xốc lại tinh thần đội ngũ nhà giáo, hơn bao giờ hết phải tận tâm, tận lực nhìn thẳng vào những khuyết điểm, giảm bớt sự đố kỵ, ganh đua và hạn hẹp trong tầm nhìn, để nắm tay nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau nhìn về phía trước để chèo lái con thuyền giáo dục của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung ra khơi xa./.
 
                                                                                            Tg: Mỹ Ngọc
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: T
hị trấn Kông Chro - Huyện Kông Chro - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3835365
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3835321
1478004004_Mail.png  Email: ubndkongchro@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:
Bản quyền thuộc về UBND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trịnh Minh Dương - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Kông Chro
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT ngày 07/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png